==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Tham gia Chương trình Mộc Châu, hòa mình vào những lễ hội truyền thống nơi đây, khách thăm quan sẽ có được nhiều trải nghiệm đáng nhớ với các trò chơi dân gian độc đáo, những phong tục kỳ lạ ... Phần 2 của bài viết, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến các bạn những lễ hội hấp dẫn trên cao nguyên Mộc Châu: lễ hội Hết Chá, lễ hội chợ tình Mộc Châu, tết của người Mông.

1. Lễ Hội Hết Chá

Lễ hội Hết Chá (kết thúc mùa ban nở), thường diễn ra từ 23-26/3 hàng năm. Với nhiều người có lẽ cái tên “Lễ hội Hết Chá” còn khá xa lạ. 

Chuyện rằng, xưa kia, người Thái rất nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh, thường đến nhờ thầy mo. Thầy mo dùng mẹo và nhờ thần linh nên đã chữa được bệnh cho dân làng. 
Vùng đất thấp, cái chậu khổng lồ... là một cách gọi khác của bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu) - Nơi đây được thiên nhiên ban tặng sơn thủy hữu tình với những đồi thông bạt ngàn gió và hồ nước xanh trong, khí hậu trong lành, mát mẻ.

Bản Áng đã trở thành khu nghỉ mát và trải nghiệm sinh thái thơ mộng. Mảnh đất nơi đây giàu truyền thống, con người hiền hòa hiếu khách, với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Tháng Ba, vào mùa hoa ban rực sáng núi rừng, người dân bản Áng lại tưng bừng tổ chức “Lễ hội Hết Chá”.

Huyền thoại

Lễ hội Hết Chá ( kết thúc mùa ban nở), thường diễn ra từ 23-26/3 hàng năm. Với nhiều người có lẽ cái tên “Lễ hội Hết Chá” còn khá xa lạ. Chuyện rằng, xưa kia, người Thái rất nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh, thường đến nhờ thầy mo. Thầy mo dùng mẹo và nhờ thần linh nên đã chữa được bệnh cho dân làng. Mang ơn thầy mo, nhiều người xin được làm con nuôi của ông. Và rồi, cứ mỗi dịp cuối năm (vào 29, 30 Tết), con cháu lại đến tạ ơn thầy mo, nhưng thời điểm đó đang bận rộn cho tết nên thầy mo ấn định lễ tạ ơn sẽ tổ chức vào tháng 3 hàng năm... Lễ hội Hết Chá từ đó mà thành. Lễ hội Hết Chá, là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh sâu sắc, là lễ hội đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. 

Những Lễ Hội Đặc Sắc Tại Mộc Châu ( P2 ) - Ảnh 1

Người Thái nhảy múa mừng lễ hội Hết Chá

Đây cũng là dịp để người dân tạ ơn đất trời, tạ ơn đấng sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, mọi người ấm no hành phúc. Lễ hội còn thể hiện ý thức gắn kết cộng đồng dân tộc Thái, cùng nhau bước vào mùa vụ mới. Cũng từ Lễ hội Hết Chá, đã có rất nhiều đôi trai gái bén duyên, rồi nên nghĩa vợ chồng.

Nét đẹp Lễ hội

Sau lễ lấy hoa, dâng hoa sẽ diễn ra lễ hội, gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ là dịp để người con nuôi bày tỏ lòng thành kính với thầy mo đã chữa bệnh cho mình, mang tính nhân văn sâu sắc. Thông qua phần lễ với những tích xưa được kể và dựng lại do chính những người dân biểu diễn, người tham dự lễ hội sẽ được truyền dạy kinh nghiệm sản xuất cũng như nghe những lời răn dạy để mọi người sống với nhau tốt hơn. Điểm nổi bật của những tích trò là tính hài hước, hóm hỉnh theo lối gái giả trai, trai giả gái, làm cho người xem cười thỏa thích.

Những Lễ Hội Đặc Sắc Tại Mộc Châu ( P2 ) - Ảnh 2

Phần “lễ” của lễ hội Hết Chá

Phần hội diễn ra những trò diễn dân gian vui nhộn, dạy con cháu khai hoang ruộng, tập cho trâu cày, khơi dậy nền văn minh lúa nước của đồng bào dân tộc. Đan xen một số tiết mục kịch câm dí dỏm, vui nhộn phê phán những thói hư tật xấu, khích lệ những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống thường nhật. Bên cạnh đó, là những điệu xòe uyển chuyển, nhịp nhàng, duyên dáng quanh cây nêu hòa cùng tiếng trống, chiêng rộn rã và âm thanh chầm bổng của đội nhạc như đang mời gọi. Điệu xòe trong Lễ hội Hết Chá được gọi là “Xòe Chá” gồm 6 mục chủ yếu, mỗi mục gắn với một sự việc, được minh họa bằng kịch câm. Các cụ ngày xưa soạn thành thơ, như ca ngợi tình yêu trai gái, vợ chồng, trong mục có tên “rủ nhau đi hái măng rừng” là:

Thanh niên trai gái làng ơi

Lúc lâm mệt nhọc nghỉ ngơi chút nào

Phát xong nương dẫy ta mừng

Cùng nhau đi hái măng rừng để ăn

Em cầm dao thuổng giúp anh

Anh đào măng được anh giành cho em

Anh ơi cố đào cho nhanh

Được măng đầy bế em anh cùng về

Không thì cha đợi, mẹ mong.

Nếu anh còn có tấm lòng bên em

Hay trong mục “bảo vệ hoa mầu-làng xóm”, minh họa bằng những câu thơ: 

Ngày đêm canh gác bản làng 

Bảo vệ nương ruộng xóm làng yên vui 

Không cho thú phá giặc xâm 

Người đeo dao kiếm, người cầm cung tên 

Thú nào phá hoại ruộng ta 

Mọi người mõ chống đuổi ra khỏi làng 

Tuần tra canh gác bản mường 

Giặc xâm cướp đến cung gươm sẵn sàng 

Được mùa bản làng vui cười 

Trẻ, già, trai, gái, mọi người múa ca.

Mọi hoạt động trong Lễ hội xung quanh một cây nêu, khơi dậy cuộc sống bình dị với thiên nhiên hoang dã được thể hiện trên cây nêu, với hoa ban, hoa mạ, hình con thú, con chim, ve sầu, ong bướm, chống chiêng… đủ mầu sắc treo trên cây nêu, tượng chưng cho sự sống, mùa xuân. Gốc cây nêu đặt những chum rượu cần để mời khách. Trong phần hội còn diễn ra những hoạt động vui chơi giải trí vui nhộn ở nhiều khu vực, thi: xòe dân tộc Thái, món ăn dân tộc, đi cầu kiều, đi cà kheo… 

Lễ hội Hết Chá - một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, gắn kết cộng đồng làng bản là nét rất riêng trong văn hóa của người Thái Sơn La.

2. Chợ Tình Cao Nguyên Mộc Châu

Cao nguyên Mộc Châu không chỉ có đặc sản là chè, những cô gái dân tộc duyên dáng mà ngày nay, phiên chợ tình tổ chức vào ngày 31/8 đến 2/9 hằng năm cũng là một món “đặc sản” níu khách thập phương về với vùng cao nguyên nhiều mây và đầy bí ẩn này.

Chả thế mà các cô gái Mông đến tuổi cập kê đã chuẩn bị váy áo từ vài tháng trước đó để chờ đợi phiên vui chợ tình đằm thắm, tìm cho được “ý trung nhân”. Ngày nay, khi chợ tình Sa Pa và Khau Vai đã phần nào vơi đi sự hấp dẫn thì chợ tình Mộc Châu (Sơn La) lại là điểm đến của bà con dân tộc thiểu số từ Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La đến Yên Bái, Lào Cai. khách thăm quan trong và ngoài nước, dân “phượt” cũng không bỏ qua cơ hội này.

Cao nguyên Mộc Châu không chỉ có đặc sản là chè, những cô gái dân tộc duyên dáng mà ngày nay, phiên chợ tình tổ chức vào ngày 31/8 đến 2/9 hằng năm cũng là một món “đặc sản” níu khách thập phương về với vùng cao nguyên nhiều mây và đầy bí ẩn này.

Năm ngoái, tôi đã gặp Vàng Thị Nỉ khi cô ngồi nghe bài hát từ chiếc điện thoại ở một gốc cây. Nỉ không đẹp lộng lẫy nhưng có duyên ngầm. Đêm đó, dù nhiều nhóm nam thanh nữ tú tụ tập chơi bời, tán tỉnh nhau thì một mình Nỉ như bị tách ra khỏi thế giới vừa ồn ào vừa trữ tình đó.

Nỉ nói, cô rất muốn đến chợ tình chơi, vì phải rất lâu (sau tết) cả vùng mới lại có một dịp vui chơi như thế. Vì vậy, mới đầu tháng 7, cô đã may áo quần, váy để chuẩn bị cho ngày đó. Trong hơi sương lành lạnh, cô nói: “Em vượt đường sá từ xã Mường Sang đến đây không phải để kiếm chồng. Em chỉ muốn thấy người ta yêu nhau như thế nào”.

Những Lễ Hội Đặc Sắc Tại Mộc Châu ( P2 ) - Ảnh 3

Xúng xính váy áo xuống chợ.

Trong câu nói của cô, dường như ầng ậng nước của cơn mưa bất chợt ban chiều. Cô nói mình đến không để tìm kiếm chồng, mà sao giọng nói hoang hoải đến thế. Gặng hỏi mãi, Nỉ đã không thể giấu được lòng mình. Thì ra, cô đã yêu một người con trai ở bản, nhưng bị cấm cản vì chuyện của dòng họ. Thế là chàng trai ấy đã bỏ đi, rồi bị con ma thuốc phiện nó ám vào người, giờ cứ như người mất hết trí khôn.

Câu chuyện của Nỉ cho tôi thêm hiểu thế nào là tình yêu nam nữ bị cấm cản, và cái sự hà khắc của một số tập tục ở những bản làng xa xôi sẽ còn làm khổ những tình yêu đẹp như thế đến bao giờ nữa? Không ai biết được, và thế là, sẽ có biết bao nhiêu đôi tình nhân (đã từng yêu mà không đến được với nhau) tìm đến chợ tình này.

Trước đây, Nỉ đã từng cùng người ấy đến chợ tình, họ đã cười rất nhiều và rất hạnh phúc. Nhưng đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng cô được hưởng một phiên chợ tình đẹp và trọn vẹn. Giờ có tìm mỏi mắt thì cũng chẳng thấy bóng dáng người yêu.

Tôi nói với Nỉ tôi đi xe máy lên Mộc Châu. Đêm đó, tôi dẫn cô đi chơi, nghe khèn, xem múa và nhìn rất nhiều đôi tán tỉnh nhau rất đỗi chân thành, giản dị nhưng lại độc đáo. Nỉ cũng như nhiều người ở trong vùng không biết chợ tình Mộc Châu có từ bao giờ, cũng chẳng ai biết vì sao người Mông ở khắp các vùng núi phía Bắc lại tìm về Mộc Châu rất đông vào đúng đêm chính mùng 1/9. Chỉ biết đó là đêm rất được chờ đợi, vui đến vỡ òa, rất trữ tình đằm thắm và mộc mạc, thanh niên nam nữ đến đó cũng rất người, rất đời và rất đẹp.

Tôi đã may mắn thấy nhiều vẻ đẹp của những phiên chợ tình, những đêm hò hẹn hay những ngày xuân dạo chơi núi rừng. Và tôi đã từng ước, giá sau mỗi ngày làm việc cật lực nơi phố phường lại được “rơi bịch” vào giữa vùng cao nguyên. Một hạt cát là tôi sẽ không thể nào làm cao nguyên đẹp hơn hay xấu đi, nhưng ít nhất, những chiếc váy xòe xanh xanh đỏ đỏ của các thiếu nữ sẽ có thêm hai con mắt ngắm nhìn. Từ đó, đồng cỏ cao nguyên đỡ đơn điệu, những cánh đồng hoa cải vàng được thổi thêm sức sống.

Trước đây, người Mông nghèo hơn bây giờ rất nhiều. Họ đi bộ mấy ngày mấy đêm, băng rừng, vượt núi để đến chợ. Ai xuống chợ bằng ngựa đã được gọi là xa xỉ, là giàu có. Hình ảnh một gia đình người Mông cả chồng, vợ và đứa con nhỏ ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa đi trên con đường trung tâm thị trấn là ký ức khiến nhiều người thú vị trong những phiên chợ tình. Những con đường phố huyện dịp đó ngập tràn sắc màu người Mông, nhưng cũng rải đầy phân ngựa. Ngạc nhiên là chẳng ai khó chịu về điều đó. Nó là một phần của lễ hội người Mông thuở hàn vi.

Người Mông đã biết cách để trở nên giàu hơn và họ đã sắm được xe máy, điện thoại. Có người chỉ cần vài chục phút là đã có mặt ở chợ. Điều đó đã làm giảm đi phần nào sự thú vị, sức hấp dẫn của chợ tình. Nhưng đó là điều không thể cưỡng nổi, cũng giống như rất nhiều người đến chợ đã già đi, những em bé không còn nằm trên lưng mẹ xuống chợ nữa, mà đã biến thành các chàng trai, cô gái khỏe mạnh tự đi bằng đôi chân của mình.

Vào những ngày này, trời Mộc Châu se lạnh, đó thực sự là không khí rất đẹp cho những người đến chợ tình. Các nhóm “phượt” đang chuẩn bị “đạn” (tiền) và những thứ cần thiết để đổ về Mộc Châu, sau tiện thể lượn một vòng Tây Bắc thưởng thức khí thu núi rừng. Bấm điện thoại gọi cho Nỉ. Vẫn là giọng nói trong trẻo đó, vẫn một niềm thảng thốt trong tiếc nuối. Cô không thể hoang hoải mãi như thế, để rồi tuổi xuân sẽ bị nhấn chìm bởi sự hùng vĩ của cao nguyên. Cô cần phải lấy chồng, như biết bao bạn bè cùng trang lứa.

Những Lễ Hội Đặc Sắc Tại Mộc Châu ( P2 ) - Ảnh 4

 

Ngủ đêm đợi phiên chợ.

Lúc này, ở bản của Nỉ và rất nhiều bản làng khác, nhiều chàng trai, cô gái, nhiều đôi vợ chồng phải đi bẻ ngô thuê, hoặc làm bất kể công việc vất vả nào để có mấy trăm nghìn đi xuống chợ. Có gia đình rồng rắn cả vợ chồng, con cái cuốc bộ xuống chợ “xả láng” mấy ngày, tiêu hết số tiền vất vả làm trong hai tháng rồi lại bịn rịn cuốc bộ về, đường đi xa lắm nhưng lòng ai cũng lâng lâng vui, không biết mỏi là gì.

Một nhà văn hóa chỉ ra rằng, do cuộc sống của người dân quanh năm vất vả, đời sống văn hóa nghèo nàn, nên đó là dịp để họ giao lưu, nói chuyện, tìm bạn, uống rượu… và xả láng! Một vài ngày trong phiên chợ, không đủ để họ khỏa lấp những thiếu thốn trong cuộc sống hằng ngày, nhưng cũng khiến họ hả hê để tiếp tục công việc làm nương, sản xuất

Bình thường, vào đêm 30/8, thanh thiếu niên vùng cao đã đổ về vui chơi ở thị trấn Mộc Châu, thắc thỏm chờ đợi những thời khắc tuyệt đẹp của tình yêu. Ở trung tâm thị trấn, ngoài những cô gái Mông còn có những cô Thái, Mường duyên dáng.

Đêm 31/8 và 1/9 là hai đêm đáng chờ đợi nhất. Các chương trình văn nghệ diễn ra, những nụ cười giòn tan vang khắp núi rừng, hòa vào tiếng suối chảy. Trước đó, những người đến chợ sớm một hai hôm đã nếm trải sự hồi hộp, chờ đợi đến khó lòng chợp mắt. Họ có thể tìm chỗ ngủ ở bất cứ nơi đâu, ngay sân vận động, dưới gốc cây, giữa bậc tam cấp, hiên nhà thậm chí là trên một tảng đá. Họ thường đi thành từng nhóm để hỗ trợ, giúp đỡ nhau.

Đêm 1/9, rạng sáng ngày 2/9, khi các chương trình ca nhạc và màn bắn pháo hoa chào mừng Tết Độc lập kết thúc, dòng người đổ về các trục đường chính ở thị trấn. Chợ tình lúc này diễn ra ở tất cả mọi nơi thuộc thị trấn.

Còn nhớ, một cô gái vùng núi Sơn La đã nói với tôi rằng, với người Mông, được đến chợ là một hạnh phúc, vì ở rất nhiều bản Mông trên những rẻo cao Tây Bắc, có những người chưa từng một lần đến chợ. Với họ, thật không dễ để kiếm được hai ba trăm nghìn cho những cuộc vui nơi phố huyện. Nỉ cũng nói thế, bởi có những bản người phụ nữ nếu không phải mòn mỏi chờ chồng đi tù thì cũng phải quần quật làm lụng kiếm tiền mua thuốc cho chồng.

Tôi bỗng thấy những ước mơ của người phụ nữ vùng cao, đôi khi quá nhỏ nhoi mà vẫn không thành hiện thực. Tôi nhủ lòng, dịp này sẽ lại vượt núi, vén mây đến với Mộc Châu để gặp Nỉ, gặp chợ, cảnh sắc và những điều tuyệt diệu. Các bạn muốn khám phá, xin hãy đến cùng tôi.

3. Ngày Tết Của Người Mông

Theo phong tục người Mông, ngày mùng Một chỉ đi chúc Tết, uống rượu và đặc biệt kiêng kỵ việc tiêu tiền. Khác với người Kinh và đồng bào dân tộc ở nhiều vùng trong cả nước, người Mông ở Mộc Châu ăn Tết vào đầu tháng Chạp âm lịch. Tết của người Mông thường diễn ra trong 3 ngày nhưng trước đó cả tháng, khắp các bản làng ở xã Lóng Luông, Tân Lập, Lóng Sập, Chiềng Xuân, Chiềng Sơn… đã nhộn nhịp không khí đón xuân.

Người Mông chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo. Mỗi người mỗi việc, đàn bà miệt mài hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để cho người lớn, trẻ con diện Tết. Đàn ông tất bật đi mua sắm đồ hay thịt lợn gà làm bữa cơm thịnh soạn cho gia đình. 

Những Lễ Hội Đặc Sắc Tại Mộc Châu ( P2 ) - Ảnh 5

 

Người Mông ở Mộc Châu ăn Tết vào đầu tháng Chạp.

Nếu như với người Kinh ở miền xuôi, mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét thì Tết người Mông phải có bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất. Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Do đó, giã bánh dày là việc làm không thể thiếu trong ngày Tết nơi đây.

Gạo nếp nương thơm ngâm và đồ thành xôi đổ vào một máng gỗ, các chàng trai sức vóc khỏe mạnh dùng chày thay nhau giã đến khi thật nhuyễn và mịn, rồi gói lại bằng lá chuối. 6 cặp bánh đầu tiên gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong một năm được dâng lên trời đất và vị thần mùa màng. Những chiếc bánh còn lại xếp vào hũ gỗ pơ mu đậy kín lại để ăn và thết đãi khách quý.

Những Lễ Hội Đặc Sắc Tại Mộc Châu ( P2 ) - Ảnh 6

Bánh dày không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông.

 

Người Mông không đón giao thừa mà quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm… Người Mông quan niệm, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.

 

Trong 3 ngày Tết, người Mông có tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân những "người bạn" trong lao động, sản xuất. Sau đó, họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày. Họ kiêng thổi lửa, kiêng gọi phụ nữ dậy sớm, kiêng tiêu tiền, cho ai hoặc xin ai bất kỳ cái gì, không hót rác, không ăn cơm chan trong những ngày Tết.

 

Từ ngày Mùng 4, người Mông mới bắt đầu chơi Tết. Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ trưng diện trong dịp này. Bởi vậy, nổi bật trong sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào là gam màu rực rỡ của những chiếc váy tung xòe trên cánh đồng cải trắng ngút ngàn, là tiếng leng keng đồng bạc hoa theo bước chân thiếu nữ đi chơi xuân...

Những Lễ Hội Đặc Sắc Tại Mộc Châu ( P2 ) - Ảnh 7

Một nghi lễ cúng của người Mông trong ngày Tết.

 

Tết cũng là dịp người Mông Mộc Châu tổ chức các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay… Nếu có dịp vào các bản Pa Khen, Tà Phình, Phiêng Cành ở thị trấn Nông trường và xã Tân Lập, bạn hãy tìm đến các sân vận động rộng, nơi bà con tập trung để chơi xuân. Trong không khí rộn ràng đầu năm, bạn sẽ hiểu thêm về văn hóa ngày Tết của người Mông thông qua điệu múa xòe ô và tiếng khèn réo rắt.

Những Lễ Hội Đặc Sắc Tại Mộc Châu ( P2 ),nhung le hoi dac sac tai moc chau p2

Những Lễ Hội Đặc Sắc Tại Mộc Châu ( P2 ),nhung le hoi dac sac tai moc chau  p2
11 1 12 23 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==